Truyện ngắn : Vết Nhọ

Người đăng: chaobuoisang on Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

VẾT NHỌ

[FD's BlOg] - Truyện ngắn : Phạm văn Khôi
(Trong : Vùng xoáy Luân hồi)

- suu tam-



Tuy phòng làm việc của tôi thì tuyệt vời, với những phương tiện và thiết bị tân kỳ gần như chỉ việc ngồi bấm nút, ký và ra lệnh. Nhưng cô thư ký xuất hiện là tôi cảm thấy khó chịu. Cô tên Lã Thị Mơ, ba mươi tuổi chưa chồng, chiều cao 1m70, nặng bốn mươi tám cân, đang là tuyển thủ trong đội bóng chuyền nữ ngành. Theo tôi, làm thư ký cho một tổng giám đốc ở một công ty tiếp khách nước ngoài nhiều hơn khách trong nước thì phải là một cô gái xinh đẹp. Tuổi mười chín đôi mươi, óng ả như một bông hoa rực rỡ sắc màu và ngất ngây hương thơm quyến rũ. Nó làm dịu đi chất hành chính công sở. Làm công bằng cái tổng thể gồ ghề của thời gian…làm giảm đi nỗi lo âu tuổi tác. Làm tăng trưởng độ hớn hở của những mái đầu hoa râm thừa dinh dưỡng. Tôi còn có một đồng nghiệp coi các cô thư ký trẻ như một thứ cây cảnh, một máy điều hoà nhiệt độ không cần điện áp.

Tôi bấm nút gọi cô thư ký. Tôi ngồi đong đưa trên chiếc ghế đệm mút đồ sộ, ngả người
như phi công vũ trụ. Cô ta nói rất lễ phép với thanh âm rất lạ, tựa như phát thanh viên trong
buổi đọc truyện đêm khuya:
- Dạ thưa xếp! Em đã có mặt theo lệnh.
Tôi chán ngấy cái thân hình cao ngổng, và không lạ gì bộ mặt đầy tàn nhang. Đôi tay to bè chắc đang ôm khư khư chiếc cặp đựng tài liệu bé xíu. Vừa rồi, tôi lệnh cho bên quản trị sắm một loạt quần trắng áo dài cho khối nữ. Nhưng cô thư ký này không chịu mặc. Tôi muốn nhân việc này mắng mỏ cô cho bõ tức. Tôi vẫn ngả người trên ghế, mặt hướng về bức thảm tranh choán gần hết mặt tường miêu tả cảnh “Nhị mã kiễng chân!” màu sắc loè loẹt đến phát hoảng. Tôi nói lạnh lùng:
- Tại sao cô không vận đồng phục
- Dạ thưa xếp, em mặc hổng có được!
Lạy chúa! Cô ta chuyển sang giọng quân khu bảy, nó lơ lớ nửa khô nửa cạn. Nhưng,
không hiểu sao cơn giận của tôi bỗng nguôi đi. Có lẽ tôi linh cảm thấy cô nàng đã bị nhiễm virut “lăn tăn”, thứ bệnh mà chỉ nhè vào các cô chậm chồng xông tới!
- Tại sao cô mặc hổng có được?
-Dạ thưa xếp, xiêm y ngắn quá…em mặc thử rồi, quấy lắm.
Tôi chuyến sự bực bội sang thằng cha trưởng quản trị. Tôi an ủi cô như chính tôi là trưởng phòng quan liêu:
- Ngày mai cô ra cửa hàng mua bộ khác, tôi sẽ ký phiếu xuất tiền mặt, cô đừng lo tốn kém
- Cảm ơn xếp!
Tôi ngồi lại ngay ngắn muốn để ngắm lại cô thư ký hơn là thay đổi tác phong. Cô ta có vẻ nhận ra điều đó nhanh hơn tôi tưởng. Cô e lệ, vẻ e lệ của một cô gái “đã toan về già” trông thật cảm động. Tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy một vết nhọ nằm chềnh ềnh giữa môi trên và chỏm mũi của cô thư ký. Tuy vậy, nó hợp lý như một bộ râu vốn đã từng có. Tôi thầm nhận định…nó gần giống như “râu,ria” của Stalin…và… nếu vết nhọ kia thu ngắn hai bên vào một chút thì y hệt “râu,ria” của Hítle? Tất nhiên,
xưa có câu: “Ai nhọ xấu mặt người ấy!”. Nhưng đây thì khác, cô ta là thư ký của tôi, cô ta nhọ mặt, chắc hẳn mặt tôi trở thành mặt mẹt. Rõ ràng, cô ta không đủ tư cách làm thư ký cho tôi. Một ý nghĩ chợt thoáng len lỏi trong óc tôi. Cứ để cô ta mang “bộ râu” suốt ngày hôm nay, phải để cho mọi thấy được cái xấu xa này. Tôi thản nhiên bảo cô:
- Hôm nay tôi mệt, không tiếp khách. Cô về phòng, thay tôi làm việc đó. Tôi cho phép cô được toàn quyền.
- Dạ thưa… nhưng…
- Không gì hết! Hãy chấp hành lệnh của tôi.
Tôi đưa thẳng hai cánh tay về phía cô, bàn tay dựng lên như thể muốn chẹn vào họng cô. Còn mắt tôi nhắm lại, như thể Phật thiền. Tôi muốn để cô hiểu rằng, cái lệnh của tôi vừa ban xuống là không thể thay đổi.
- Thưa xếp, em xin chấp hành!
Cô xúc động nói, tôi nghe như tiếng của người nghiện thuốc lào. Tôi uống một hộp bia, rồi thiếp đi trong một tâm trạng hể hả như một kẻ vô học bần tiện
vừa lấn được vài chục phân đất của hàng xóm. Hết giờ làm việc, cô thư ký đánh thức tôi dạy để báo cáo:
-Thưa xếp, đây là toàn bộ các ghi chép trong buổi làm việc.
Cô ta định đưa cho tôi một xếp giấy, tôi gạt đi và nói:
- Thôi! Cô tóm tắt lại bằng mồm là nhanh gọn, khỏi giấy tờ
Tôi ngắm nhìn cô, vẫn y ngyên bộ râu “lưỡng soái!” ngao ngán ngáp dài tiếc cho giấc ngủ. Cô thư ký lẩm rẩm:
-Thưa xếp,em tiếp sáu đoàn khách. Ba “Mếch” trong nước và ba đại diện, công ty, hãng,
tập đoàn của Đài Loan, Nhật Bản, Đức… Một linh cảm chẳng lành chợt đến làm tôi lạnh xương sống khi hình dung ra cảnh: Một cô thư ký với bộ mặt nhọ tiếp sáu đoàn khách làm ăn. Tôi ngắt lời:
- Có bán cháo, ký kết được gì không?
- Dạ thưa!…hỏng hêt ạ. Họ chỉ vui vẻ cười và “hẹn gặp lại”.
-Trời ơi! Cô giết tôi rồi! Tại cô tất cả, cô ngạc nhiên lắm phải không? Về mà soi gương đi! Thật là giết người không dao. Mải rên rỉ, cô thư ký biến đi lúc nào tôi không hề hay biết. Tôi ngồi vật xuống chiếc ghế tổng giám đốc như đồ tể ném một tảng thịt xuống dưới đất. Thời gian sau đó. Công ty của tôi gần như ngừng hoạt động, bởi dòng người du lịch háo sự nườm nượp kéo đến tìm người đàn bà có bộ râu “Lưỡng soái!” Thật là nẫu cảnh. Những lúc ấy tôi chỉ còn cách vào toa lét…ngồi cho thật bền.
Tôi được cấp trên cho nghỉ “hưu non”. Vì những lý do tế nhị mà tôi không tiện nói ra đây.
Một anh bạn rỉ tai tôi: “Tạp chí kinh tế châu Á có bài về công ty của ông đấy. Họ chê bai không tiếc lời và kết thúc với câu - Một công ty thiếu văn hoá!”. Tôi nắm chặt tay anh bạn, cố để anh hiểu nỗi khổ của tôi mà đừng bình luận thêm gì nữa. Thế là hết chỗ nhục rồi!

Về nghỉ hưu, lẽ ra phải thanh thản. Nhưng riêng tôi thì không thể. Ngày đêm, tôi cứ bị vết nhọ trên mặt cô thư ký ám ảnh, dằn vặt. Gía như lúc ấy, tôi bảo cô ta lau đi thì đâu đến nỗi! Tôi chợt nhận ra rằng, cái câu: “Ai nhọ xấu mặt người ấy”! của các cụ ngày xưa để lại là quá ích kỉ !? ( ít ra là trường hợp của tôi). Và có lẽ,chúng ta phải kêu lại là:
“Ai nhọ xấu mặt người thấy ” !?

Từ đấy, mỗi khi ra khỏi cửa, tôi tự bôi lên bộ mặt già nua của mình một vết nhọ.
Tháng 7.1993

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét