8 tính năng Windows 8 “vay mượn” của Linux

Người đăng: chaobuoisang on Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Windows và Linux rất khác nhau, nhưng trong phiên bản Windows 8 có nhiều tính năng mà cộng đồng nguồn mở cho là "xào" của Linux.

"Nghệ sĩ tầm tầm thì vay mượn, nghệ sĩ vĩ đại thì ăn cắp" - Pablo Picasso có lần mỉa mai như vậy. T.S. Eliot cũng có phát biểu tương tự. Và Steve Jobs cũng từng trích dẫn câu nói này. Sự thật là cái gì thành công cũng rất dễ bị mô phỏng và sao chép.

Mặc dù Windows 8 và Linux nằm ở hai thái cực rất khác nhau từ thiết kế, ý tưởng cho đến khối người dùng chủ đạo, song chúng vẫn được xây dựng trên những nguyên tắc chung của hệ điều hành. Do đó chắc chắn sẽ có những điểm trùng hợp. Trong suốt một thời gian dài, Microsoft vốn bị cáo buộc là "đạo" rất nhiều từ cộng đồng mã nguồn mở, khiến cho một số người hâm mộ Linux nghĩ rằng Microsoft đơn giản là đã "thuổng" các tính năng hấp dẫn của Linux.

Đã có khá nhiều cuộc "phím chiến" nảy lửa về chủ đề này trên các diễn đàn Linux/Windows và cả trên blog chính thức Building 8 của Microsoft do Sinofsky và cộng sự phụ trách. Tất cả những điều đó cũng làm dấy lên sự nghi ngờ về nhiều tính năng mới trong Windows 8, liệu chúng có thực sự do Microsoft nghĩ ra hay không hay chỉ là "xào xáo" lại từ những ý tưởng khác.

1. Hộp thoại sao chép tài liệu

Để việc hiển thị rõ ràng hơn cho người dùng, Microsoft đã cải tiến các hộp thoại liên quan đến sao chép (copy), di chuyển (move), đổi tên (rename) và xóa (delete) theo cách thức không chỉ hiển thị quá trình diễn ra các tác vụ này, mà còn có biểu đồ thông lượng cho phép có thể tạm dừng mọi thao tác sao chép đang diễn ra.

Điều này đã gây ra một sự giận dữ ghê gớm của cộng đồng mã nguồn mở khi các hộp thoại này từng là một phần của các chương trình quản lí file thuộc về các hệ điều hành Linux phiên bản Dolphin và Nautilus. Trình quản lí file của 2 phiên bản hệ điều hành này cũng cho phép tạm dừng và kiểm tra các hoạt động sao chép di chuyển file đang thực hiện, và cũng cho phép hiển thị đồ thị trạng thái khi người dùng nhấn vào biểu tượng "More details".

Khi xảy ra vấn đề liên quan tới các dữ liệu trên máy, Windows 8 không chỉ dừng cả tiến trình mà còn đưa các lỗi vào danh sách chờ xử lí. Ở điểm này, có vẻ như Microsoft có ưu điểm hơn so với thế giới nguồn mở. Tuy nhiên cả Windows 8 lẫn Linux đều chưa thật sự có tính năng xếp hàng chờ. Người dùng có thể tạm dừng hay khôi phục từng tiến trình sao chép một cách thủ công song chưa thực hiện được việc này khi sao chép số lượng lớn.

2. Tạo ISO

Trong phiên bản thử nghiệm Windows 8, Microsoft đã giới thiệu tính năng tạo file ISO. Khi thực hiện điều này, một kí tự đại diện cho ổ đĩa mới sẽ xuất hiện trong Windows Explorer (đại diện cho ổ CD/DVD ROM ảo). Và việc tích hợp trực tiếp tính năng này vào hệ điều hành sẽ làm cho người dùng Windows không còn lệ thuộc vào các phần mềm của các bên thứ 3 như Daemon Tools, Power ISO hoặc Virtual CloneDrive. Cả hai hệ điều hành Linux và Mac đều đã có tính năng này.

Microsoft cho rằng không có phiên bản nào của hệ điều hành Linux có thể cho phép người dùng tạo ISO dễ dàng như Windows 8. Với Linux, người dùng cần nhập các cú pháp điều khiển từ dòng lệnh hoặc lại sử dụng công cụ của bên thứ 3.

3. Windows To Go

Windows To Go cho phép người dùng (doanh nghiệp) tạo một chương trình khởi động Windows 8 trên các thanh nhớ flash sử dụng chuẩn USB2.0/3.0. Tính năng này thậm chí còn cho phép "đóng băng" hệ điều hành tạm thời nếu thanh nhớ này bị rút ra khỏi máy tính và khi cắm trở lại sẽ cho phép hoạt động bình thường.

Trong thế giới mã nguồn mở, tính năng tương tự như vậy đã xuất hiện song chất lượng không thể so sánh với việc được tích hợp thẳng vào nhân hệ điều hành như của Microsoft. Nhất là khi hãng này đã tối ưu hệ thống file NTFS của mình để Windows 8 có thể chạy trơn tru ngay cả trên USB 2.0. Các thử nghiệm với Windows To Go cho thấy nó có tốc độ vượt xa các tính năng tương tự của Linux.

4. Giao diện Metro UI

Ý tưởng khởi nguồn của giao diện Metro UI thực ra đã manh nha từ 5 năm trước trên giao diện chương trình Media Center và giao diện các thiết bị Zune. Với lần đầu tiên trải nghiệm giao diện này, người dùng sẽ nhận ra nó rất nhất quán cho một loại thiết bị độc lập. Nhưng Microsoft vẫn không phải là người tiên phong trong việc đưa ra ý tưởng kiểu này.

Rất nhiều các phiên bản Linux như Ubuntu và GNOME trên máy tính để bàn đã cố gắng tu chỉnh giao diện người dùng theo kiểu "một giao diện điều khiển tất cả" trước khi Microsoft tham gia vào xu hướng này. Mặc dù giao diện kiểu này khi nhắc tới đều làm người ta nghĩ đến máy tính bảng chứ không phải các hệ điều hành nhân Linux, song chắc chắn cộng đồng Linux có quyền nghĩ rằng họ có ý tưởng này trước Microsoft. Microsoft đang mạo hiểm để có thể từng bước đưa giao diện Metro UI mới mẻ này trở thành giao diện mặc định của hệ điều hành mới, nhưng thật ra nó thực sự hấp dẫn hơn với các thiết bị có màn hình cảm ứng hay sử dụng bút điều khiển (stylus).

5. Tích hợp mạng xã hội

Một nhà phân phối hệ điều hành nhân Linux nổi tiếng là Ubuntu đã đưa các tính năng tích hợp mạng xã hội mặc định trên sản phẩm của mình từ rất lâu. Menu "Me" đã xuất hiện trong các phiên bản sơ khai của Ubuntu 10.04, cho phép người dùng có thể cập nhật tất cả các tài khoản mạng xã hội của mình đồng thời đưa những nội dung cập nhật quan trọng ra ngay màn hình desktop. Khi Microsoft thêm các tính năng Tweet@Rama, Photo Picker và ứng dụng Socialite vào phiên bản Windows 8 dành cho các nhà phát triển, cộng đồng Linux ngay lập tức cho rằng đây là hành vi sao chép ý tưởng.

6. Hỗ trợ trực tiếp USB 3.0

Những bài viết đầu tiên của nhóm phát triển Windows 8 trên blog Building 8 đều nhắc tới việc hệ điều hành mới này hỗ trợ trực tiếp các thiết bị chuẩn USB 3.0 và nhận về vô khối phản hồi dạng "Linux đã làm điều này cả 3 năm nay rồi".

Thực ra thì cũng chả có gì to tát lắm, các thiết bị dùng chuẩn USB 3.0 chạy rất tốt với Windows 7 kể từ sau khi các nhà sản xuất cập nhật driver cho chúng. Microsoft chỉ đơn giản là đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp này mà thôi.

7. Tích hợp điện toán đám mây

Cả hai hệ điều hành Windows 8 và Linux đều có các tính năng cho phép người dùng đồng bộ dữ liệu của mình với các dịch vụ điện toán đám mây. Ubuntu one của Ubuntu 11 cho phép người dùng sử dụng 5 GB dữ liệu lưu trữ trực tuyến miễn phí và đưa thêm các tùy chọn 2,99 USD/tháng cho mỗi 20 GB dung lượng thêm.

Windows 8 chắc chắn sẽ gắn với dịch vụ SkyDrive của hãng hiện đang cho phép người dùng lưu tới 25 GB miễn phí. Các dữ liệu được phép lưu không chỉ là ảnh và nhạc mà còn cho phép lưu các thông tin tài khoản khác của người dùng như thiết lập cá nhân, hình nền, một số dữ liệu khác. Quan trọng nhất là người dùng có thể truy cập chúng từ bất kì đâu.

8. ReFS

ReFS (Resilient File System, tên mã Protogon) là thế hệ quản lí file mới nhất vừa được Microsoft giới thiệu. Nó sẽ được ra mắt cùng với Windows Server 8. Hệ quản lí file này có nhiều điểm tương đồng với ZFS (Z File System) và Btrfs (B-tree file system) của Linux.

"Đạo" ý tưởng hay sáng tạo đột phá mới? Không thể phủ nhận việc Microsoft có vay mượn nhiều ý tưởng từ cộng đồng mã nguồn mở, song tựu trung, hãng này vẫn đang tạo ra nhiều giá trị riêng từ những ý tưởng đó trên phiên bản Windows 8 của mình.

Theo PCWorld VN/PCWorld Mỹ

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét